- Nguồn gốc
Giống đậu xanh ĐX 14 có nguồn gốc từ Hàn Quốc do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên Hải Nam trung bộ chọn lọc từ năm 2004.
- Đặc điểm
Cao cây 55 – 77cm, thời gian sinh trưởng 70 – 80 ngày, dạng hình sinh trưởng hữu hạn. Năng suất trung bình 18 – 21 tạ/ha tuỳ thuộc điều kiện thâm canh. Khối lượng 1000 hạt 60 – 75 g, hạt xanh mốc phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Giống đậu xanh ĐX14 chín tập trung thuận tiện cho thu hoạch, thu hoạch 2 – 3 lần/vụ.
Giống có khả năng chống đổ tốt, kháng khá cao với bệnh đốm nâu và phấn trắng. giống đậu xanh ĐX14 thích hợp vùng Đồng bằng, ven biển trong cơ cấu luân canh tăng vụ.
- Kỹ thuật canh tác
3.1. Chuẩn bị đất và phân bón
– Chuẩn bị đất: Chọn đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu có độ pH = 5,5 – 7,0. Tiến hành vệ sinh cỏ dại, cày bừa kỹ, lên luống 1,0m cả rãnh (rãnh 30cm). Mặt luống rộng 70cm, rãnh 30cm, mỗi luống rạch 2 hàng theo chiều dài luống cách mép 10 – 15cm đảm bảo 2 hàng cách nhau 40 – 45cm.
– Lượng phân bón cho 1ha: 1 tấn HCVS + 300-400 kg vôi bột + 85 kg ure + 350 kg Super lân + 80 kg Kali clorua.
Cách bón
* Bón lót : Toàn bộ HCVS + vôi bột + lân super. Vôi bột bón khi bừa đất lần cuối, chú ý không trộn lẫn vôi bột với các loại phân khác.
* Bón thúc :
Lần 1: Khi cây có 1 – 2 lá thật bón 1/2N.K, kết hợp xới nhẹ
Lần 2: Khi cây có 4 – 5 lá thật bón 1/2N.K vãi đều giữa 2 hàng đậu kết hợp xới, vun cao chống đổ.
3.2. Thời vụ:
– Vụ xuân hè: 20/3 – 5/4
– Vụ hè từ 8/6 – 15/6
3.3. Mật độ gieo: Lượng giống 25 – 30kg/ha ở điều kiện nảy mầm trên 85%.
Khoảng cách trồng: Khoảng cách giữa các hàng 40 – 45cm, hốc cách hốc 18 – 20 cm gieo 2 – 3 hạt/hốc. Đậu mọc đều tỉa để 1 – 2 cây/hốc và đạt số lượng cây/m2 là 20 cây/m2.
3.4. Chăm sóc:
– Vun xới:
+ Xới lần 1 : Khi cây có 2 lá thật kết hợp tỉa định cây lần1, đảm bảo mật độ 20 cây/m2 trong vụ hè
+ Xới lần 2: Khi cây có 4 – 5 lá thật kết hợp bón thúc phân và vun gốc
– Tưới tiêu
Đảm bảo độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
+ Tưới lần 1 (nếu đất khô hạn): Tưới trực tiếp vào hàng sau khi bón lót phân trước khi gieo hạt.
+ Tưới lần 2: Sau mọc 15 ngày, lần 3 sau mọc 30 ngày, lần 4 sau mọc 45 ngày, lần 5 sau mọc 60 ngày (Nếu độ ẩm đất < 80%)
+ Tiêu nước: Không để nước ngập quá 2 giờ.
Phòng trừ sâu bệnh: Cần chú ý phòng trừ sâu hại lá, đục hoa, quả và hạt, bệnh đốm nâu lá, đặc biệt với bệnh lở cổ rễ trong vụ xuân nên xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm Rovral trước khi gieo (1g thuốc/1kg hạt giống). Sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết.
– Phòng trừ bệnh chết cây con (bệnh chết rạp cây con)
Nguyên nhân chính gây hiện tượng chết rạp cây con là do các nấm bệnh khác nhau nhưng chủ yếu là Aspergillus niger, Sclerotium rolfsii, Fusartium spp và Rhizoctonia salani. Bệnh chết rạp cây con thực chất là giai đoạn sớm của các bệnh thối đen cổ rễ, thối trắng thân bệnh thối rễ và lở cổ rễ . Bệnh chủ yếu lan truyền qua hạt và đất, vì vậy xử lý hạt bằng thuốc hoá học trước khi gieo như: Vicarben 50 WP, Rovral 750WP, Thiram (liều lượng 3gam/1 kg hạt) hoặc dùng chế phẩm Trichoderma (trộn với phân chuồng/phân hữu cơ vi sinh bón vào đất trước khi gieo) sẽ mang lại hiệu quả phòng trừ cao.
– Phòng trừ bệnh hại lá:
Trong số các bệnh hại lá, bệnh đốm nâu (Phaeoisariopsis personata) là loại bệnh phổ biến nhất, có mặt và gây hại ở tất cả các vùng trồng đậu xanh ở nước ta. Các bệnh này, lây lan từ vụ này qua vụ khác, chủ yếu qua tàn dư cây bệnh. Điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển là mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, thời tiết mát mẻ, nhiều sương vào ban đêm và sáng sớm.
Biện pháp phòng trừ:
– Dùng thuốc hoá học: Dùng Daconil; Anvil; Bayleton 0,1- 0,3% hoặc zinhep 0,2% phun lần 1 sau mọc 40 – 45 ngày, lần 2 cách lần một 15 – 20 ngày để ngăn ngừa bệnh hại lá làm rụng lá sớm. (Hoặc có thể dùng các loại thuốc khác trên cơ sở được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
– Vệ sinh đồng ruộng: Sau khi thu hoạch cây đậu xanh được nhổ hoặc đốt, hoặc cày vùi sâu trong ruộng nước sẽ có tác dụng hạn chế sự lây lan của bệnh.
– Luân canh cây trồng.
Các loại sâu hại đậu xanh phổ biến hiện nay gồm: sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu xám, sâu chích hút (bọ trĩ, rệp, rầy xanh).
Ngưỡng phòng trừ sâu hại chủ yếu như sau:
- Sâu khoang: 20 – 25% diện tích lá bị hại ở giai đoạn 30 – 40 ngày sau mọc
- Các loại sâu khác: 25 – 30% diện tích lá bị hại ở giai đoạn 30 – 40 ngày sau mọc
Các loại thuốc phòng trừ: Có thể sử dụng thuốc trừ sâu sinh học NPV – Bt để phòng trừ sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá. Một số thuốc hoá học thông dụng như: Sumidicin , Alphan 5EC, Basudin, Supracide 40 NP, …
3.5. Thu hoạch và bảo quản:
Thời điểm thu hoạch được bắt đầu khi quả chuyển sang màu đen, quả được phơi 1 – 2 nắng rồi đập lấy hạt. Hạt sau khi phơi 3 – 5 nắng được đưa vào bảo quản ở nơi thoáng mát.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
– Các loại đất cát pha thịt: Đất sau thu hoạch ngô xuân và lạc xuân
– Thời vụ thích hợp đạt năng suất cao nhất vụ hè sớm gieo từ 5/6 – 15/6 đạt năng suất thực thu cao nhất.
– Địa điểm phù hợp: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Hưng Yên, Hải Dương……
5. Điển hình đã áp dụng thành công:
– Nam Tân – Nam Đàn – Nghệ An; Hưng Lam – Hưng Nguyên – Nghệ An; Hương Sơn – Hà Tĩnh; Hương Khê – Hà Tĩnh…..
6. Địa chỉ liên hệ giống:
– Phòng Chuyển giao Công nghệ và Sản Xuất Kinh Doanh – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ – Thanh Trì, Hà Nội
ĐT: 04.3687 6271; 043 6490538; 043 861 3919; Fax: 043 861 8095;
Email: [email protected].