1. Nguồn gốc
Giống lúa chịu hạn CH16 do Viện Cây lương thực – CTP lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai C22/KD18. Giống được công nhận sản xuất thử năm 2015, tại Quyết định số: 488/QĐ-TT-CLT, ngày 06/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Phạm Hữu Chiến, Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Thế Hiếu và Phạm Thị Ngọc Điệp.
2. Đặc điểm chính
– TGST: + Vụ Mùa: 105 – 110 ngày
+ Vụ Xuân: 140 – 145 ngày.
– Chiều dài bông 20- 22 cm, số hạt/bông đạt 145 – 160, khối lượng 1000 hạt 21 – 22 gam. Cao cây trung bình, hạt nhỏ, màu hạt vàng, đẻ nhánh khá, độ thuần đồng ruộng khá,
– Giống lúa CH16 nhiễm vừa bệnh khô vằn và nhiễm nhẹ đối với các loại sâu bệnh hại khác, khả năng chịu rét và chống đổ khá.
– Giống lúa CH16 có khả năng chịu hạn tốt, độ thoát cổ bông điểm 1, khả năng phục hồi sau hạn nhanh, tỷ lệ hữu dục khá cao, cho năng suất khá trong điều kiện bấp bênh về nước (35 – 40 tạ/ha). Trong điều kiện chủ động nước tưới giống lúa CH16 cho năng suất từ 55 – 65 tạ/ha.
3. Kỹ thuật thâm canh
+ Vùng miền núi, Trung du phía Bắc (hạn hoàn toàn nhờ nước trời): Tốt nhất gieo trong tháng 5.
+ Các tỉnh miền Bắc (bấp bênh về nước) – Vụ Xuân: nên gieo Xuân muộn từ 10/1 đến 5/2, cấy sau lập xuân, đối với mạ dược cần cấy sớm tránh mạ già, tuổi mạ 18 – 20 ngày, mạ sân cấy khi 12-15 ngày tuổi.
– Vụ Mùa: nên gieo trong trà mùa sớm từ 1/6 đến 10/6, cấy mạ dược khi 15 – 17 ngày, mạ sân cấy khi tuổi mạ 10-12 ngày.
* Kỹ thuật gieo cấy:
+ Vùng miền núi, Trung du phía Bắc (hạn hoàn toàn nhờ nước trời): Làm đất: Theo phương pháp làm đất khô, cày 2 lượt bừa 2-3 lượt. Nếu đất dốc không có điều kiện cày bừa cần làm sạch cỏ phơi khô đất và làm bờ chống xói mòn.
Gieo hạt khô (không ngâm ủ) ngay sau khi làm đất xong lần cuối để đất còn đủ ẩm. Lượng giống gieo: khoảng 100kg/ha
+ Vùng miền núi phía Bắc (bấp bênh nước): Trước khi cấy 4-5 ngày nên bón phân cho mạ với lượng 1,5-2 kg ure/sào mạ, chú ý không bón thêm ure khi nhiệt độ thấp, chỉ bón khi có dự báo thời tiết dự báo nhiệt độ sẽ ấm lên. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cần chú ý giữ ấm cho mạ bằng phương pháp che phủ nilong cho cả mạ dược lẫn mạ sân
– Mật độ cấy 50 – 55 khóm/m2, 2 -3 dảnh/khóm.
– Gieo thẳng với lượng hạt giống khoảng 50 – 60 kg/ha. Nếu sử dụng phương pháp gieo bằng máy gieo hạt thì lượng giống sử dụng khoảng 40 – 50 kg/ha, tỉa dặm khi cây con có 3 – 4 lá thật, chú ý mật độ khoảng 80 – 85 cây/m2 là phù hợp.
* Kỹ thuật chăm sóc:
– Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ: Phân chuồng 8 – 10 tấn/ha, đạm: 1,8-2,2 tạ/ha, lân: 5 – 5,5 tạ/ha, kali: 1,7-1,9 tạ/ha (Tuỳ theo từng điều kiện canh tác).
– Cách bón: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối, bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 40% đạm + 30% kali khi bừa cấy.
+ Bón thúc 50% đạm + 30% kali khi lúa bắt đầu đẻ nhánh (vụ Mùa sau cấy 12-15 ngày, vụ Xuân sau cấy 20-25 ngày) kết hợp làm cỏ sục bùn lần 1. Làm cỏ lần 2 sau lần 1 từ 15 – 20 ngày, chú ý nhổ sạch cỏ dại.
+ Bón đón đòng trước khi trỗ 30 ngày: bón 10% đạm + 40% lượng kali còn lại.
– Nếu sử dụng phân NPK (16-16-8) thì dùng 4,0 – 5,0 tạ/ha + 30 – 60 tạ/ha ure, (bón lót 2,0-2,5 tạ/ha NPK, thúc lần 1: 1,1 – 1,4 tạ/ha NPK, số còn lại + 30 – 60 tạ/ha ure được bón thúc lần 2)
* Chú ý theo dõi bệnh khô vằn và phòng trừ bệnh kịp thời.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng
– Giống lúa CH16 có khả năng chịu hạn tốt và thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể luân canh tăng vụ hoặc gieo vào giai đoạn né tránh hạn, cũng có thể gieo CH16 trên những ruộng tưới tiêu khó khăn, bấp bênh về nước hoặc những ruộng bậc thang có khả năng giữ được nước sau mưa vài ngày và các chân ruộng đất cát ở đồng bằng có hệ thống tưới tiêu chủ động nhưng nhanh mất nước.
5. Điển hình áp dụng
Hữu Lũng, Lạng Sơn; Phú Nguyên, Thái Nguyên; Lương Sơn, Hòa Bình; Chí Linh, Hải Dương
6. Địa chỉ liên hệ giống:
Bộ môn Chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.
ĐT: 0320.3716928; DĐ: 0912 646662
Email: [email protected]
Một số hình ảnh của giống: