1. Nguồn gốc, tác giả:
Giống lúa lai 2 dòng HYT 116 là con lai của dòng mẹ AMS 30S và dòng bố R116 (R128) được Trung tâm NC & PT lúa lai – Viện Cây lương thực và CTP lai tạo và chọn lọc. Giống HYT116 được Bộ NN&PTNT công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc trong vụ Xuân muộn và Mùa sớm, theo quyết định số 373 /QĐ-TT-CLT ngày 6 tháng 9 năm 2016.
2. Đặc điểm chính của giống:
– Thời gian sinh trưởng của giống:
+ Vụ Xuân muộn: 125 – 135 ngày;
+ Vụ Mùa sớm: 105 – 115 ngày
– Chiều cao cây: 100 – 110 cm, cứng cây, chống đổ tốt.
– Hạt dài, mỏ trắng, khối lượng 1000 hạt 24,2 – 25,5 g.
– Năng suất thực thu: Trong khảo nghiệm sản xuất tại các địa phương HYT 116 cho năng suất cao và ổn định, vụ Xuân đạt 76 – 91 tạ/ha, vụ Mùa đạt 70 – 81 tạ/ha. Gạo dài trung bình, cơm mềm, ngon, vị đậm.
– HYT 116 có khả năng chống chịu khá tốt với một số sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng như: Khô vằn; Rầy nâu; Bạc lá (điểm 1-3).
– Hạt giống bố mẹ tổ hợp HYT 116 chủ động trong nước. Khả năng sản xuất hạt giống F1 tổ hợp HYT 116 có thể đạt >2,5 tấn/ha.nhân dòng mẹ đạt 2,5 – 3,5tấn/ha ở những vùng có khí hậu phù hợp.
3. Kỹ thuật gieo cấy/ canh tác/ sản xuất:
3.1. Vùng sản xuất:
Các tỉnh Bắc Trung bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Trung du và Miền núi phía Bắc.
3.2. Thời vụ:
+ Vụ xuân: mạ dược gieo từ 15 – 25/01, mạ nền đất cứng hoặc trên sân gieo 01 – 05/2 dương lịch. Mạ xuân bắt buộc phải được che phủ nilông trắng mỏng để chống rét. Cấy khi nhiệt độ không khí > 15oC, tuổi mạ dược dày xúc không quá 4 – 4,5 lá (không cấy mạ dược quá 5,5 lá), mạ nền 3 – 3,5 lá.
+ Vụ mùa: gieo trà mùa sớm hoặc mùa trung từ 5 – 15/6. Tuổi mạ dày xúc 15 – 18 ngày; mạ sân hoặc nền đất cứng 7 – 8 ngày.
3.3. Kỹ thuật làm mạ.
* Lượng giống và ngâm ủ: Lượng giống cho 1ha ruộng cấy cần 25 -30 kg giống (1 kg/1sào Bắc bộ); sạ 35 – 40kg/1 ha. Vụ Xuân ngâm giống bằng nước ấm, vụ mùa ngâm nước lã 12- 18 tiếng (4-6 tiếng thay nước, đãi chua 1 lần), loại bỏ hạt lửng, lép sau đó ủ ấm. Nếu thấy quá nóng hoặc có mùi chua trong khi ủ thì phải dỡ ra đãi sạch chua rồi ủ tiếp đến nảy mầm. Tuyệt đối không để thóc bị chua hoặc quá khô.
* Gieo dày xúc trên dược mạ: Đất dược mạ làm nhuyễn, vơ sạch cỏ dại và gốc rạ. Bón 2 – 3 tạ phân chuồng mục/sào và 10 – 12 kg lân supe nghiền nhỏ/sào; Lên luống mạ rộng 1 – 1,2m, chan phẳng sống trâu. Gieo giống lên mặt luống, che phủ ni lon theo luống khi nhiệt độ dưới 150C. Làm mái vòm khung tre có chiều cao mái 35 cm. Khoảng cách các khung 1 – 1,5 m. Khi thời tiết ấm phải vén nilon 2 đầu luống để thoát hơi nóng. Trước khi cấy 4 – 5 ngày nếu trời nắng ấm tháo bỏ nilon cho mạ đanh dảnh. Giữ đủ ẩm mặt luống. Khi cây mạ được 2,5 – 3 lá thật, dùng xẻng xúc nhẹ hoặc lột mạ đem đi cấy ngay trong ngày.
3.4. Mật độ cấy:
– Cấy thường: Cấy 35 – 40 khóm/1 m2, 1- 2 cây mạ/ khóm, cấy nông tay,
– Có thể bố trí cấy theo hàng rộng – hàng hẹp (30 cm x 15 cm x 13-14cm) hoặc gieo vãi, gieo sạ hàng.
3.5. Phân bón:
+ Lượng bón cho 1ha:
– Vụ xuân: 9 – 10 tấn PC (Hoặc 1-1,5 tấn HCVS) + 120 N – 140 N + 90P2O5 + 120K2O/ ha (thâm canh cao có thể bón đến 140 – 150 N/ha)
– Vụ mùa: 8 – 10 tấn PC (Hoặc 1-1,5 tấn HCVS) + 120 + 90 P2O5 + 120 K2O/ha
* Tính cho 1 sào Bắc bộ:
– Vụ xuân: 3,3 – 3,5 tạ PC (Hoặc 35 – 40kg HCVS) + 9,5 – 11 kg đạm urea + 20 kg lân supe + 7 – 8 kg kali.
– Vụ mùa: 3 – 3,5 tạ PC (Hoặc 35 – 40kg HCVS) + 9 – 10 kg đạm urea + 20 kg lân supe + 7 – 8 kg kali.
+ Cách bón: Nguyên tắc bón nặng đầu nhẹ cuối, cụ thể:
* Bón lót sâu toàn b��� phân chuồng ủ mục, phân lân supe khi bừa ngả, bón lót trước bừa cấy 3 – 4 kg urê .
* Bón thúc đẻ (sau cấy 10 – 15 ngày vụ xuân, 7 – 8 ngày trong vụ mùa), bón tập trung lượng đạm cao 6 – 7 kg urê/ sào trong vụ xuân và vụ mùa 5 – 6 kg urê /sào. 3 kg kali clorua/sào Bắc bộ. Kết hợp làm cỏ sục bùn.
* Bón thúc lần 2 : Bón hết lượng kaki còn lại (4 – 5 kg/sào) khi cây lúa phân hoá đòng (lá bắt đầu thắt eo). Chỉ bón kali khi thời tiết tạnh ráo, lá lúa khô sương.
* Bón nuôi đòng: Chú ý quan sát màu sắc lá lúa để bổ xung dinh dưỡng bằng phân bón qua lá (tuyệt đối không bón đạm thời kỳ này, đặc biệt vụ mùa để hạn chế bệnh bạc lá).
Chú ý: Có thể bón phân hữu cơ vi sinh, phân tổng hợp NPK theo tỷ lệ nguyên chất trên để thay thế phân chuồng và đạm, lân , kali đơn theo khuyến dẫn của nhà sản xuất.
3.6. Điều tiết nước
– Sau cấy giữ nước nông thường xuyên trên mặt ruộng khoảng 2 – 3 cm
– Khi cây lúa đẻ rộ, sau bón thúc kali, rút nước mặt ruộng, phơi khô nẻ chân chim 5 – 7 ngày. Khi lúa phân hoá đòng bước 3 (đòng dài 0,1 – 0,2 cm) lại đưa nước vào ruộng (đối với đất chua phèn không phơi ruộng khô nẻ).
– Giai đoạn phân hoá đòng và lúa trỗ bông giữ nước nông thường xuyên khoảng 3 – 5 cm. Tuyệt đối không để thiếu nước ở thời kỳ này vì sẽ làm giảm năng suất lúa.
– Rút nước mặt ruộng khi lúa chín đỏ đuôi.
3.7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
- Chăm sóc
– Chăm sóc như ruộng lúa đại trà. Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ đầu vụ vẫn cần làm cỏ, xục bùn nhẹ sau khi bón thúc để phân bón thúc được hoà trộn vào đất và hệ rễ lúa được trao đổi thêm không khí sẽ phát triển tốt hơn.
– Ruộng lúa sinh trưởng chậm, trong vụ xuân cần bổ sung thêm lân Supe, phân chuồng mục, khùa sục, thay nước…trước khi bón đạm.
b. Phòng trừ sâu bệnh
Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại. Áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp dịch hại cây trồng (IPM). Chỉ sử dụng thuốc hoá học khi sâu bệnh tới ngưỡng phòng trừ. Sử dụng đúng thuốc, đúng nồng độ. Chú ý phòng hộ để đảm bảo sức khoẻ và giữ gìn vệ sinh môi trường.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Giống phù hợp với chân đất vàn, vàn hơi thấp, đất thâm canh, đất phèn mặn ven biển được cải tạo và đất chua nội đồng chủ động tưới tiêu. Giống có thể gieo cấy được cả 2 vụ Xuân muộn và Mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc.
5. Điển hình đã áp dụng thành công:
Giống đã được gieo trồng tại một số tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định, …
6. Địa chỉ liên hệ giống:
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm,
Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội
Điện thoại CQ: 0436875142; Fax: 0436875857
Điện thoại BGĐ: 0436865588; Mob: 0912 543526; Email: [email protected]