1. Nguồn gốc
Giống lúa Gia Lộc 105 (GL105) được lai tạo từ tổ hợp P6/Xi23//IRBB7/Q5 và chọn lọc theo phương pháp phả hệ. Giống đã được công nhận giống cây trồng mới theo Quyết định số 398/QĐ-TT-CLT ngày 26/9/2019 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Nguyễn Thị Miền, Vũ Thị Nhường, Đoàn Văn Thành, Phạm Văn Tính, Bùi Kim Vật, Phạm Văn Nghĩa.
2. Đặc điểm
– Thời gian sinh trưởng: Vụ mùa: 105 – 110 ngày; Vụ xuân: 130 – 140 ngày.
– Chiều cao cây: 100 cm, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh khỏe và đều, bộ lá màu xanh đậm, bông to, hạt thon dài, xếp hạt trung bình và có màu vàng sáng, chắc rất cao, hạt mẩy. Khối lượng 1000 hạt từ 22 – 23 gam.
– Giống GL105 có khả năng chống đổ tốt, ít nhiễm đạo ôn, rầy nâu và bạc lá.
– Năng suất thực thu trung bình:
+ Vụ xuân: 70 – 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 – 85 tạ /ha.
+ Vụ mùa: 60 – 65 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 75 tạ/ha.
– Hạt gạo thon dài, trong, phẩm chất gạo ngon, cơm mềm, đậm, giòn.
3. Kỹ thuật canh tác
– Thời vụ và phương pháp gieo cấy (đối với đồng bằng bắc bộ):
+ Vụ xuân: mạ dược gieo mạ từ 20/12 đến 10/01, cấy khi mạ có 5 – 6 lá. Nếu gieo mạ sân thì tiến hành gieo trước tiết lập xuân khoảng 3 – 5 ngày, cấy trong tháng 2. Nếu gieo vãi, nên gieo xung quanh tiết lập xuân vì giống có khả năng chịu rét rất tốt trong giai đoạn mạ.
+ Vụ mùa: Tuỳ theo từng vùng làm cây vụ đông khác nhau mà bố trí thời vụ cho phù hợp. Thời vụ cho phép gieo từ 10 – 30/6, cấy ở tuổi mạ 18 – 22 ngày.
– Lượng giống gieo, mật độ : + Cấy: 2,0 – 2,5 kg hạt giống/01 sào bắc bộ; cấy 3 – 4 dảnh / 01 khóm và 50 – 55 khóm /m2.
+ Gieo vãi: 1,8 – 2,2 kg hạt giống /01 sào bắc bộ.
– Phương pháp ngâm ủ: giống rất dễ nảy mầm và đạt tỷ lệ nảy mầm cao trên 90 %. Chú ý vì vỏ trấu mỏng nên thời gian ngâm giống khi xuống nước nên ngâm từ 12 – 36 giờ, không nên ngâm quá lâu thóc dễ bị chua ảnh hưởng đến sức nẩy mầm của hạt.Những ngày tiếp theo chỉ đêm nhúng nước rồi ủ tiếp. (Chú ý: không dùng giống để cách vụ để ngâm ủ vì tỷ lệ nảy mầm của giống giảm nhanh).
– Lượng phân và cách bón.
* Lượng phân vụ xuân: Phân hữu cơ vi sinh 400 – 600 kg; 8,0 – 10,0 kg urê + 20 – 22 kg lân + 6 – 8 kg kali/sào Bắc bộ.
* Cách bón: Yêu cầu bón sớm, bón tập trung, có thể dùng NPK tổng hợp hoặc phân đơn
+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh + 100% lân + 30% ure + 30% kali
+ Bón thúc lần 1: 50% ure + 30% kali
+ Bón đ��n đòng: 20% ure + 40% kali
+ Chú ý: bón bón đón đòng sớm và kịp thời, tuyệt đối không bón nuôi hạt vì dễ gây hiện tượng lúa bị nứt hạt do tích lũy dinh dưỡng quá mức đặc biệt là khi thời tiết sau trỗ mưa nhiều. Vụ mùa lượng phân bón bằng 80 – 90% so với vụ xuân.
– Điều tiết nước trong ruộng lúa: chú ý rút nước giai đoạn sau đẻ nhánh tối đa và sau khi lúa trỗ hoàn toàn 5 – 7 ngày để lúa tăng độ cứng cây, giảm hiện tượng nứt hạt do dư thùa dinh dưỡng hoặc thừa nước.
– Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi và phong trừ sâu bệnh theo dự tính dự báo của trạm BVTV địa phương như các giống lúa khác, kết hợp phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp tổng hợp ICM.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Giống lúa Gia Lộc 105 thích hợp gieo trồng trong cơ cấu luân canh 2 lúa + 1 màu hoặc 1 lúa + 2 – 3 màu. Giống thích hợp gieo trồng cả 2 vụ/năm trên các chân đất vàn, vàn cao, vàn thấp
5. Điển hình áp dụng
Các tỉnh phía Bắc
6. Địa chỉ liên hệ giống:
Bộ môn Chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.
ĐT: 0320.3514926, 0320.3716928; DĐ: 0912 180 595
Email: [email protected]