Quy trình kỹ thuật chăm sóc nhãn sau ghép cải tạo

Quy trình này hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sản xuất nhãn thời kỳ sau ghép cải tạo giống tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Năm: N/A
Mã: FV-QU-HD-1211-01-NA
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình này hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sản xuất nhãn thời kỳ sau ghép cải tạo giống tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
1.2. Đối tượng áp dụng: Quy trình này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
 
II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Thời vụ ghép
Trong năm có 2 thời vụ ghép chính là vụ hè và vụ thu. Cưa đốn cây gốc vụ hè có thể ghép ngay vụ thu cùng năm. Cưa đốn vụ thu sẽ ghép vào đầu vụ hè năm sau.
2.2. Tưới nước và làm cỏ
– Tưới đủ ẩm vào các thời kỳ sinh trưởng lộc, chuẩn bị ra hoa, nở hoa và quả phát triển. Từ  tháng 11 đến khi xuất hiện hoa, chỉ tưới nước khi đất quá khô.
– Làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh gây hại.
2.3. Tỉa định chồi
Từ gốc cây sau khi cưa đốn, mỗi cây giữ lại 5 cành cấp 1 để ghép. Sau khi cành ghép bật mầm và phát triển thành thục thì bấm ngọn. Sau bấm ngọn cành ghép phát sinh nhiều chồi mới nên phải tỉa định chồi.
– Tỉa định chồi ngay khi chồi tái sinh dài 5 – 7 cm.
– Tỉa để lại 3 – 4 chồi có sinh trưởng khoẻ và phân bố đều về các hướng.
– Tỉa định chồi thường xuyên để quản lý được số chồi để lại và loại bỏ mần dại phát sinh.
2.4.  Bón phân
2.4.1.Năm đầu sau ghép cải tạo
* Lượng bón
Lượng bón tính cho 1 cây: 3 kg phân vi sinh, 4 kg NPK.
 * Thời kỳ bón
– Lần 1: Toàn bộ phân vi sinh, 60% lượng phân NPK vào khoảng tháng 6 khi đợt lộc tái sinh đầu tiên đã thuần thục.
– Lần 2: Bón 20% lượng phân vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 để nuôi hoa.
– Lần 3: Bón 20% lượng phân vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 để nuôi quả.
* Cách bón:
– Đất ẩm, rải phân theo hình chiếu tán cách gốc 50 cm, sau đó tưới nước để hoà tan phân.
– Khi trời khô hạn, hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu tán, xới nhẹ đất và tưới giữ ẩm.
2.4.2. Năm thứ hai sau ghép cải tạo 
* Lượng bón
Lượng bón tính cho 1 cây: 3 kg phân vi sinh, 4 kg NPK.
 * Thời kỳ bón
– Lần 1:  Toàn bộ phân vi sinh và 60%  lượng phân bón NPK sau khi thu hoạch quả
– Lần 2: Bón 20% lượng phân vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 để nuôi hoa.
– Lần 3: Bón 20% lượng phân vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 để nuôi quả.
* Cách bón:
– Đất ẩm, rải phân theo hình chiếu tán cách gốc 50 cm, sau đó tưới nước để hoà tan phân.
– Khi trời khô hạn, hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu tán, xới nhẹ đất và tưới giữ ẩm.
2.5. Xử lý ra hoa
Xử lý ra hoa bằng khoanh vỏ. Áp dụng vào tháng 11, khi lộc thu đã thành thục. Dùng dao sắc khoanh hết lớp vỏ của cành cấp 1 hoặc cấp 2,  vết khoanh rộng  0,2 – 0,3 cm.
2.6. Bổ sung dinh dưỡng qua lá
– Loại phân bón: Bortrac, Dong biển, Miro – 201.
– Phun ướt đều toàn bộ bề mặt tán cây khi trời râm mát. Giai đoạn 1 phun 3 lần theo định kỳ 15 ngày, bắt đầu từ khi cây nhú lộc. Giai đoạn 2 cũng phun 3 lần theo định kỳ 15 ngày, bắt đầu từ khi cây nhú giò hoa.
2.7. Phòng trừ sâu bệnh hại
Áp dụng như nhãn thời kỳ mang quả.
2.8. Phòng trừ sâu bệnh hại
Áp dụng như nhãn thời kỳ mang quả.

Nguồn:giongcaytrong.com