Kỹ thuật trồng cây Quýt Hồng 

Hoa thông thường có mùi thơm rất mạnh. Quả là loại quả có múi, một dạng quả mọng đặc biệt, hình cầu hay cầu thuôn dài, chiều dài 4-30 cm và đường kính 4-20 cm

Các loài thực vật Cam, chanh, quýt, bưởi phổ biến thuộc chi Cam chanh (Citrus) của họ Cửu lý hương (Rutaceae). Chúng đều là những loài cây nguyên sản vùng nhiệt đới, phổ biến ở các nước Đông Nam Á.
ky-thuat-trong-quyt-hong

Các loại cây trong chi này là các cây bụi, cây gỗ nhỏ, cao 5-15 m tùy loại, với thân cây có gai và các lá thường xanh mọc so le có mép nhẵn. Hoa mọc đơn hoặc tự ngù nhỏ, mỗi hoa có đường kính 2-4 cm với 5 (ít khi 4) cánh hoa màu trắng và rất nhiều nhị hoa. Hoa thông thường có mùi thơm rất mạnh. Quả là loại quả có múi, một dạng quả mọng đặc biệt, hình cầu hay cầu thuôn dài, chiều dài 4-30 cm và đường kính 4-20 cm, bên trong quả khi bóc lớp vỏ và cùi sẽ thấy lớp vỏ mỏng, dai, màu trắng bao quanh các múi bên trong chứa nhiều tép mọng nước.

Các loại cây trong chi này ưa các điều kiện môi trường nhiều nắng, ẩm ướt với đất tốt và lượng mưa hay lượng nước tưới đủ lớn. Mặc dù có tán lá rộng, nhưng chúng là cây thường xanh và không rụng lá theo mùa, ngoại trừ khi bị ép. Chúng nở hoa vào mùa xuân và tạo quả chỉ một thời gian ngắn sau đó. Quả bắt đầu chín vào mùa thu hay đầu mùa đông, phụ thuộc vào các giống được trồng, cũng như gia tăng độ ngọt sau đó. Một vài giống quýt chín vào mùa đông. Một vài giống, chẳng hạn bưởi chùm, cần tới 18 tháng để quả có thể chín.

Quả của các loài cam quýt thường được ăn tươi. Nói chung vỏ của chúng dễ bóc bằng tay và dễ dàng tách các múi. Ở nhiều nơi, nước cam và bưởi là những đồ uống phổ biến khi ăn sáng. Những loại quả chua hơn như chanh nói chung ít được ăn trực tiếp. Nước chanh thường phải thêm đường vào để bớt chua trước khi uống. Chanh cũng được dùng làm gia vị trong nhiều món ăn. Người ta cũng làm mứt từ cam hay chanh. Quả Cam đường dùng để ăn có nhiều tác dụng; lại được dùng làm thuốc giải nhiệt, trị sốt, điều trị chứng xuất tiết và giúp ăn ngon miệng. Ở Ấn Độ, dịch quả cũng được dùng trong bệnh đau về mật và ỉa chảy ra mật. Vỏ quả cam có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn, làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài. Ta còn dùng vỏ cam chữa bệnh sau khi đẻ bị phù. vỏ tươi dùng xát vào mặt làm thuốc điều trị mụn trứng cá. Lá cam dùng chữa tai chảy nước vàng hay máu mủ. Hoa Cam thường dùng cất tinh dầu và nước cất hoa cam dùng pha chế thuốc. Chỉ ăn toàn cam trong ba ngày liền có tác dụng như một liều thuốc tẩy độc rất tốt. Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng kính thích nội tiết nước mật, làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón.

I.KỸ THUẬT TRỒNG:

1. Thời vụ trồng:

Trồng cam quýt vào cuối mùa mưa

2. Chuẩn bị đất trồng:

Trồng cam, quýt trên đất phù sa ven sông, đất bồi tụ, đất rừng mới khai phá, đất thung lũng, đất phù sa cổ có tầng dày từ 80 – 100 cm, có hàm lượng mùn cao, cao ráo, thoát nước, mực nước ngầm dưới 1m.

Vùng đất trồng cam quít phải thoáng gió, cao ráo , thoát nước. Độ pH thích hợp trong đất từ 5,5- 6.

Trước khi trồng một tháng đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kỹ, chia lô, hàng, đào hố bón phân lót.

3. Đào hố trồng cây:

Mật độ trồng đối với các cây ghép trên gốc ghép gieo hạt từ 300 – 500 cây/1 ha – khoảng cách cây và hàng từ 4 x 5m (cam, quýt) hoặc 6 x 7 m (bưởi).

Các cây cam, quýt, bưởi ghép trên gốc ghép nhân vô tính (chiết, ghép), có thể trồng với mật độ dày hơn: 800 – 1200 cây/ha, với các khoảng cách 4 x 2m; 3 x 3 m; 3 x 4m.

4. Trồng cây:

Kích thước hố đào 60 x 60 x 60 cm. ở chỗ cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn: 70 x 70 x 70 cm. Lớp đất đào lên được trộn đều với 30 kg phân chuồng hoai mục loại tốt; 0,2-0,5 kg phân lân (Termophotphat); 0,1-0,2 kg sunfat kali (K2SO4). Lấp hố trước khi trồng 10 – 15 ngày.

Khi trồng, đào lại ở giữa hố đã lấp 1 hố nhỏ sâu và rộng hơn bầu cây 1 chút, đặt cây thẳng và lấp đất cao hơn mặt bầu 3 – 5 cm, nén đất chặt và tưới nước. Sau đó cứ 1 ngày lại tưới đẫm nước 1 lần sao cho đất thường xuyên có độ ẩm 70% độ ẩm đất bão hòa trong 10 ngày liền. Sau đó tùy độ ẩm đất mà quyết định 3-5 ngày tưới một lần. Trong mùa khô hạn cần phủ gốc cam quýt bằng rơm rác, cỏ khô, lá xanh 1 lớp dày 5 – 10 cm để giữ ẩm và chống không cho cỏ dại mọc. Phủ cỏ và đất cách gốc 10 cm để phòng bệnh thối cổ rễ.

5. Xen canh:

Có thể xen canh các loài cây nông nghiệp ngắn ngày ở giữa khoảng các cây trong vườn quýt để chống cỏ dại.

II.CHĂM SÓC, BẢO VỆ:

1. Bón phân:

Cam quít cần được bón nhiều phân, cân đối các nguyên tố dinh dưỡng, đủ vi lượng cây mới sinh trưởng khỏe, sung sức, chống chịu tốt với sâu và bệnh hại, bền cây và cho thu hoạch cao.

1.1.Căn cứ tuổi cây để bón phân:

-Cây từ 1 – 4 tuổi: 1 năm bón 1 lần phân chuồng 30 kg cùng với 0,1- 0,2 kg phân lân nung chảy vào cuối mùa sinh trưởng (từ tháng 11 -1) Ngoài ra bón 200g urê và 100 g sunfat kali vào các tháng 1-2 (30% phân đạm) tháng 4-5 (40% đạm + phân kali) và tháng 8-9 (30% đạm còn lại)

-Cây từ 5 – 8 tuổi liều lượng bón như sau: Phân chuồng tốt 30-50 kg/năm. Đạm urê 1 – 2 kg (có thể thay 1 /2 bằng đạm sunfat để tránh tình trạng thiếu lưu huỳnh). Phân lân dạng nung chảy 3,5 kg. Phân kali dạng sunfat 1 – 1,2 kg. Phân chuồng và phân lân bón 1 lần vào sau vụ thu hoạch. Bón 60% phân đạm và 40% phân kali vào tháng 1-2; 60% phân kali và 40% phân đạm còn lại vào tháng 5-6. Cũng có thể chia đều phân đạm để bón làm 3 lần: Tháng 1-2: 40%; tháng 5-6: 30 %; tháng 8-9: 30 %.

(Chú ý: Các loại phân rắc cách gốc từ 30-50cm, phủ một lớp mỏng đất bột, rơm rác, tưới nước. Tránh phủ đất quá dày, sát gốc sẽ gây bệnh thối gốc cam quít).

1.2.Căn cứ tuổi cây và năng suất cam quít để bón phân:

-Cây từ 1-3 tuổi: Phân chuồng 25 – 30 kg/cây; phân lân nung chảy hoặc photphat nghiền 200-500g/cây; phân urê: 150 – 200 g/cây.

-Cây 4-5 tuổi: Phân chuồng 30 kg/cây; đạm urê 300g; lân nung chảy 500 g/cây; sunfat kali 300 g; vôi bột 500 g – 600 g/cây. Phân lân và phân chuồng bón 1 lần vào cuối mùa sinh trưởng cùng với vôi bột. Phân đạm và kali chia làm 3 lần: các tháng 1-2 (30% phân đạm) tháng 4-5 (40% đạm + phân kali) và tháng 8-9 (30% đạm còn lại).

-Cây từ 6-8 tuổi trở lên: có thể căn cứ vào sản lượng thu hoạch hàng năm để định lượng phân bón. Nếu thu hoạch 15 tấn quả/1 ha bón cho 1 cây: 30 kg phân chuồng/cây, đạm urê 400g/cây, phân lân nung chảy 1000g/cây; vôi bột 1000g/cây; sunfat kali 500g/cây. Đó là lượng phân bón cho 1 cây theo sản lượng 15 tấn quả/ha, mật độ trồng 600 cây. Nếu năng suất 30 tấn/ha và mật độ là 1200 cây/ha, thì lượng phân bón cho 1 cây không thay đổi. Nếu năng suất vẫn là 15 tấn/ha thì lượng phân bón cho 1 cây rút xuống còn 1/2. Trong trường hợp năng suất tăng gấp đôi: 60 tấn/ha thì lượng phân bón cho 1 cây cũng được tăng lên tương ứng..

2. Tưới nước:

Mùa khô độ ẩm trong đất giảm xuống tới 40% độ ẩm đất bão hòa, thời kỳ hạn nhẹ cũng tới 40 – 50%. Khi đó cần tưới nước cho cây để đạt tới 100% độ ẩm đất bão hòa ít nhất ở phần xung quanh gốc theo chu kỳ 3 – 5 ngày 1 lần tưới thấm hoặc tưới phun mưa, có tác dụng nâng cao năng suất rõ rệt.

3. Tỉa cành tạo tán:

Tạo tán đối với cây trồng bằng cách chiết phải tiến hành từ cuối năm thứ nhất sau trồng, cây trồng bằng ghép phải tiến hành ngay trong vườn ươm.

-Tạo cành cấp 1: Từ mặt đất phân cành cấp 1 từ 30-60 cm, cắt bỏ các cành dưới. Nếu cây ghép, từ mối ghép đến phân cànhtừ 25-30 cm, mỗi cây nên để 3-4 cành cấp 1, phân đều các hướng, góc cành cấp 1 so với thân khoảng 45-60 độ.

-Tạo cành cấp 2: Mỗi cành cấp 1 để 3 cành cấp 2 đầu tiên từ 40-60 cm, góc tạo cành cấp 1 và cấp 2 là 60-80 độ.

-Tỉa thường xuyên: Tỉa các cành già cỗi, sâu bệnh, cành tăm, cành vượt, cành khô, tạo điều kiện cho tán cây thông thoáng.

-Đốn phục hồi: Đối với cây già cỗi, có cành sâu bệnh và phát triển không đều có thể phục hồi bằng cách cắt bớt một số cành lớn, già cỗi, sâu bệnh, chỉ để lại các cành khoẻ, xanh tốt, để lại thân chính và cành cấp 1 dài 30-50 cm, khi cành mọc chồi mới, tỉa bớt tạo tán mới thoáng và ít cành, kết hợp việc đốn tỉa, bón phân, chăm sóc phục hồi cây có thể kéo dài một số năm cho thu hoạch.

(Chú ý: Tỉa hoa dị hình, hoa quả non ra muộn, ở những vị trí không thích hợp cho việc hình thành quả).

4. Phòng trừ sâu bệnh hại:

Các loài cam quýt thường mắc các loại sâu bệnh hại:

4.1.Rầy chổng cánh.

Tên khoa học: Diaphorina citri.

Là loại rầy nhỏ, trưởng thành dài 2,5-3mm, có cánh dài màu nâu đậm xen kẽ có vệt trắng chạy từ đầu đến cuối cánh, khi đậu, phần cuối cánh nhô cao hơn đầu, vì vậy có tên là rầy chổng cánh. Rầy cái trưởng thành đẻ trứng thành từng cụm trên các đọt non chưa có lá. Trứng nở thành ấu trùng, lúc đầu sống tập trung, tiết ra các sợi sáp màu trắng, di chuyển chậm chạp. Cả ấu trùng và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, đặc biệt ưa chuộng các đọt non hoặc cành non, làm cho các` cành này bị ảnh hưởng. Đặc biệt quan trọng vì chúng là môi giới gây truyền bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening) rất khó phòng trừ cho các loại cam quýt. Trong năm, rầy non có đỉnh cao số lượng trùng với thời điểm ra lộc.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên điều tra, theo dõi mật độ rầy chổng cánh trên vườn cam, đặc biệt là giai đoạn lộc Xuân là thời kỳ rầy có nhiều tiềm năng truyền bệnh vàng lá. Tiến hành phòng trừ rầy bằng thuốc hóa học, ngăn chặn khả năng truyền bệnh của rầy. Sử dụng một số loại thuốc như Trebon 0,15-0,2%, Sherpa 0,1-0,2%, Sherzol 0,1-0,2%, phun 600-800 lít nước thuốc đã pha/ha trừ rầy vào thời kỳ cây phát triển lộc rộ. Đối với cây mới trồng thường xuyên có lá non, nên cần theo dõi kỹ thuật trên vườn quả, tiến hành phòng trừ sớm, hạn chế lây nhiễm bệnh.

4.2.Sâu vẽ bùa:

Tên khoa học: Phyllocnistis citrella.

Sâu trưởng thành là một loại bướm rất nhỏ, dài khoảng 2mm, cánh có ánh bạc với màu vàng nhạt và nhiều đốm đen nhỏ. Bướm đẻ trứng rời rạc trên các đọt non vào ban đêm. Trứng nở thành sâu non, đục vào ăn thịt lá dưới lớp biểu bì của mặt phiến lá, tạo thành các đường hầm ngoằn nghoèo. Lá non bị hại kém phát triển, cong queo, giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng chậm, đặc biệt vào thời kỳ trồng mới và thiết kế cơ bản.

Biện pháp phòng trừ:

Theo dõi chặt chẽ các đợt lộc xuất hiện rộ trên vườn quả, nhất là các đợt lộc sau khi mưa, sau khi bón phân và sau khi tưới nước. Sử dụng một số loại thuốc như Decis 0,2%, Sumicidin 0,2%, Polytrin 0,2%, lượng phun từ 600-800 lít nước đã pha/ha, tiến hành phòng trừ sớm khi độ dài của lộc đạt 1-2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

4.3.Sâu bướm phượng:

Tên khoa học: Phổ biến 2 loài:

– Papilio polytes.

– Papilio demoleus.

Sâu trưởng thành là bướm phượng có màu sắc sặc sỡ, bướm hoạt động ban ngày, đẻ trứng rời rạc từng quả vào các đọt non. ấu trùng nở ra, ăn rải rác trên các lá non.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên kiểm tra vườn quả, nếu mật độ thấp có thể bắt bằng tay, mật độ cao phòng trừ sâu non bằng các thuốc trừ sâu thông thường.

4.4. Ngài chích hút:

Tên khoa học: Othreis fullonia, Othreis sp.

Trưởng thành là một loại bướm khá to, cánh trước có màu nâu, cánh sau màu vàng với một đốm đen hình chữ C ở giữa cánh. Đầu có vòi dài xếp lại như những vòng tròn. Bướm gây hại vào ban đêm ở giai đoạn quả to và bắt đầu chín có màu vàng. Bướm dùng vòi cứng, nhọn chích sâu vào trong thịt quả, hút dịch chất trong quả. Vết chích của bướm làm cho quả úa vàng, thối dần và rụng.

Biện pháp phòng trừ:

– Vào mùa quả chín, ban đêm có thể soi đèn dùng vợt bắt bướm.

– Sử dụng bẫy chua ngọt 15-20 bẫy/ha, thành phần bẫy gồm nước dứa ép + Dipterex 1% ban đêm đặt xung quanh vườn cây bẫy bướm gây hại.

– Vệ sinh vườn quả, hạn chế nơi trú ngụ của bướm gây hại.

4.5.Rệp cam:

Tên khoa học: Toxoptera citridus.

Là loài côn trùng nhỏ bé, trưởng thành dài khoảng 2mm, mình căng tròn, có màu nâu đen. Rệp có tốc độ sinh trưởng nhanh, sống tập trung thành quần thể trên các búp non, lá non. Trong thời gian ngắn, số lượng quần thể đã tăng rất cao. Cả trưởng thành và ấu trùng đều chích hút làm cho lá non, ngọn chồi biến dạng cong queo, sinh trưởng chậm, cây còi cọc. Đặc biệt thông qua quá trình chích hút, rệp cam là môi giới truyền bệnh virut, trong đó, có bệnh Tristeza rất nguy hiểm cho các vùng trồng cam.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên thăm đồng, khi thấy mật độ rệp cao, cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc hóa học như Sherpa 0,2%, Trebon 0,2%, Sherzol 0,2%. Lượng phun là 600-800 lít nước thuốc đã pha/ha.

4.6.Các loại rệp sáp:

Là những côn trùng nhỏ bé, kích thước từ 1-4mm. Có nhiều hình dạng khác nhau: có loại hình tròn, có loại hình bầu dục, bán cầu, hình vảy ốc… Màu sắc rất phong phú: màu xanh, xanh lục, xanh vàng, nâu, nâu đen, vàng hay vàng nâu. Một đặc trưng của loài rệp này là cơ thể thường có một lớp sáp hoặc lớp bột phấn bao phủ. Các loại rệp sáp sống thành tập đoàn, từng đám, bám dính chặt trên các cành non hoặc quả. Rệp cái trưởng thành có tốc độ sinh sản khá lớn. Cả ấu trùng và trưởng thành đều di chuyển chậm chạp. Chúng chích hút nhựa cây làm cây sinh trưởng kém. Rệp gây hại trên quả, làm giảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra rệp sáp cũng là môi giới truyền bệnh virut.

Biện pháp phòng trừ:

Sử dụng một số loại thuốc như Sumicidin 0,2%, Supracide 0,15-0,2%, Decis 0,2%. Tiến hành phòng trừ khi mật độ chưa cao.

4.7.Ruồi đục quả:

Tên khoa học: Bactrocera dorsalis.

Trưởng thành là một loại ruồi to hơn ruồi nhà, cơ thể có màu vàng, cánh trong, khi đậu 2 cánh giang ngang vuông góc với thân. Trưởng thành dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả chín và bắt đầu chín. Sâu non nở ra phá hoại phần thịt quả, làm quả bị thối, ủng và rụng.

Biện pháp phòng trừ:

– Thu dọn hết quả rụng trên vườn, chôn sâu xuống dưới đất.

– Thu hoạch quả kịp thời.

– Phun phòng trừ trước khi thu hoạch một tháng bằng hỗn hợp 0,5% bả Protein + 1% Pyrinex 20EC, mỗi cây phun 50ml (tương đương 1m2, thời gian trong khoảng 5-6 giây) tập trung vào nơi có nhiều lá, tiến hành phun định kỳ tuần 1 lần đến thu hoạch xong.

4.8.Nhện đỏ:

Tên khoa học: Panonychus citri.

Là loại sâu hại rất nhỏ bé, khó nhìn được bằng mắt thường. Trưởng thành có hình ô van, dài từ 0,3-0,5mm, màu nâu đỏ. Nhện đỏ thường tập trung sống, chích hút mặt dưới của lá. Mật độ cao làm cho các lá cam quýt mất màu xanh bóng, chuyển sang màu trắng bạc, lá mất dần khả năng quang hợp, bị nặng lá sẽ bị rụng hàng loạt. Trên quả nhện gây ra các đám sần sùi, làm giảm năng suất và phẩm chất quả. Nhện đỏ thường phát triển mạnh vào mùa khô hạn và trời nắng ấm. ở điều kiện khí hậu miền Bắc nước ta, trong năm, nhện thường có 2 cao điểm: từ tháng 4-6 và tháng 9-11. Mùa mưa bão mật độ nhện giảm rõ rệt.

Biện pháp phòng trừ:

Nhện đỏ có vòng đời ngắn, dễ có khả năng kháng thuốc. Vì vậy, trong công tác phòng trừ nên chú ý thường xuyên thay đổi thuốc.

Thường xuyên kiểm tra vườn quả. Cần tiến hành phòng trừ khi mật độ nhện còn thấp, tránh giết chết thiên địch của nhện. Một số loại thuốc có hiệu quả phòng trừ nhện như: Pegasus 500 ND 0,1%, Ortus 3 SC 0,1%, lượng phun 800 lít nước thuốc đã pha/ha, phun ướt đẫm lá, đặc biệt là mặt dưới. Dầu phun trừ sâu Caltex , DC -Tronplus 0,5%, lượng phun 800-1000l/ha.

4.9.Bệnh chảy nhựa:

Xuất hiện ở gốc, cổ rễ hoặc gần vết ghép, làm vỏ và tầng sinh gỗ bị thối chảy nhiều nhựa, sau đó vỏ nứt dọc, chính vỏ lộ ra những mảng gỗ màu nâu, trên lá có màu đen và chết. Trên quả đầu tiên xuất hiện những vết có màu nâu tối, sau đó lan rộng bên ngoài vỏ và bên trong trái làm trái bị rụng và quả có mùi đặc trưng. Trời ẩm xuất hiện một lớp màu trắng trên vết thối.

Biện pháp phòng trừ:

– Không trồng quá sâu, nhất là các giống ghép vì bị mưa hoặc nước tưới bắn lên mầm sẽ xâm nhập qua vết ghép.

– Đất phải thoát nước tốt, nhất là vào mùa mưa, tránh cây bị thừa nước.

– Tránh gây vết thương trên gốc rễ lúc làm cỏ, vệ sinh vườn cây, tiêu huỷ các cây, cành, lá bị bệnh.

4.10.Bệnh loét:

Vết bệnh lúc đầu nhỏ bằng đầu đinh, màu vàng nhạt, sau chuyển sang sần sùi và phát triển thành mụn nổi cả mặt trên và mặt dưới lá, xung quanh vết bệnh có quầng màu vàng nhạt, lá bị xoăn.

Biện pháp phòng trừ:

Mùa mưa tránh để đất bị đọng nước (lên liếp mô xung quanh gốc) hoặc thoát nước kịp thời khi mưa to.

– Dùng các giống kháng bệnh tốt, trồng cây chắn gió.

– Vệ sinh vườn, tiêu huỷ, gom, đốt các cành lá bị bệnh.

– Phun các loại thuốc gốc đồng như: Kasuran, Champion, Kocide, Bordeaux …

4.11.Bệnh sinh lý:

Do tính chất của đất, điều kiện khí hậu, tập quán và trình độ canh tác mà có sự rối loạn dinh dưỡng dẫn đến sự đói nguyên tố vi lượng như: Ca, Mg, Bo, Mn… Hiện tượng đói dinh dưỡng thường có những biểu hiện bệnh tật giống như khi bị bệnh do virus ký sinh.

Đối với thổ nhưỡng tại khu du lịch rừng Madagui, thường xảy ra hiện tượng thiếu các vi lượng Mg, Fe.

-Thiếu Mg (ma giê) cây sinh trưởng chậm. Khoảng phiến lá giữa các gân lá mất màu xanh, còn chính gân lá vẫn duy trì được màu xanh, sau đó phần phiến lá mất màu xanh chuyển dần từ màu xanh vàng sang màu trắng, cũng có thể xuất hiện những đốm hoặc đường vân màu nâu hoặc màu đỏ tím. Những biểu hiện này thường xuất hiện trước tiên ở những lá già, đặc biệt là phần đuôi lá.

-Thiếu Fe (sắt) cây sinh trưởng chậm, phần phiến lá giữa các gân của lá non bịmất màu xanh, chuyển sang màu vàng. Nếu thiếu sắt nghiêm trọng, toàn bộ lá non sẽ biến thành màu vàng trắng.

Biện pháp phòng trừ:

-Thiếu Mg: Dùng MgSO4 nồng độ sử dụng là 0,25-0,5% phun lên lá, phun 2-3 lần nếu thấy triệu chứng thiếu Mg xuất hiện hoặc bón 20-30 kg/ha/năm nếu đất thiếu. Ngoài ra cũng có thể dùng Nitrat Magiê 1 kg trong 100 lít nước để phun đến ướt lá.

-Thiếu Fe thì dùng FeSO4 (sunfat sắt (II)) nồng độ 0,2-1% phun lên lá.

5. Bảo vệ phá hoại của người, gia súc:

Quản lý, chống sự phá hoại của người và vật nuôi.

Nguồn:giongcaytrong.com