1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Hà Văn Nhân, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Trí Hoàn và CTV – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Phương pháp: là tổ hợp lai 2 dòng giữa dòng mẹ bất dục đưc TGMS -H20 và dòng bố RT9.
Giống được công nhận tạm thời năm 2010 theo quyết định số 166/QĐ-TT-CLT ngày 31 tháng 05 năm 2010.
2. Những đặc điểm chủ yếu
– Thời gian sinh trưởng: vụ xuân 130 – 135 ngày; vụ mùa 105- 107 ngày.
– Chiều cao cây 95 – 110 cm. Bộ lá to, dày, đứng, cứng. Khả năng chống đổ tốt, chịu phân cao, thích ứng rộng.
– Số hạt/bông từ 220-250 hạt, tỉ lệ lép 12% Khối lượng 1000 hạt 27 g. Chiều dài hạt gạo từ: 7,2mm, hàm lượng amylose 20%, tỉ lệ gạo xát 72%.
– LHD6 có khả năng kháng rầy nâu.
– Năng suất vụ xuân có thể đạt 7- 8t/ha. Vụ mùa khoảng 6- 6,5 t/ha. Chất lượng gạo tốt.
3. Kĩ thuật canh tác
– Thời vụ:
Vụ xuân: gieo trước lập xuân khoảng 5 -7 ngày. Có thể gieo mạ sân, mạ dược hoặc gieo vãi. Gieo vào thời vụ này thường hay gặp rét nên phải chống rét cho mạ bằng cách che phủ nilon. Cấy khi mạ được 3-4 lá và trời ấm
Vụ mùa: Gieo từ 5/6 – 25/6 tuỳ nhu cầu gieo trồng cây vụ đông của từng địa phương. Nếu cần gieo vụ đông sớm thì nên gieo khoảng 5/6.
– Lượng giống : 1 kg giống/sào Bắc bộ hay 30 kg/ha.
– Cách ngâm ủ: Ngâm hạt từ 24- 30 giờ cho hạt đủ nước, sau đó rửa sạch và trộn với 2 g Thiram 80 WP, ủ hạt trong 24h sau đó ủ hạt bình thường để diệt các mầm bệnh truyền qua hạt. Gieo mạ thưa để cho cây non dễ phát triển.
– Mật độ cấy:
Tuỳ theo chất lượng đất mà có thể cấy từ 35- 45 khóm/m2. Bình thường cấy khoảng 40 khóm/m2. Khoảng cách: 20:12,5 cm.
Cấy nông tay, khoảng 2 dảnh/khóm.
– Phân bón
Lượng phân cụ thể cho một sào Bắc bộ như sau:
Phân chuồng: 500 kg
Phân đạm: Ure: 8- 12 kg + 10- 14 kg NPK tổng hợp
Phân lân: super lân 15- 20 kg
Phân Kali Clorua: 12- 15kg
– Cách bón như sau:
+ Bón lót: 100% phân chuồng+ 100% lân +60% đạm + 60% kali + 100% NPK (bón trước khi cấy)
+ Bón thúc đẻ nhánh (khi lúa hồi xanh): bón 10% đạm và 10% kali
+ Bón đón đòng: Trước khi lúa phân hoá đòng 5 ngày: 20% đạm +20% kali.
+ Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn bón 10% đạm + 10% kali. Có thể phun phân qua lá khi bộ rễ hoạt động kém trên các chân đất ngập nước thường xuyên.
– Tưới nước:
Đây là khâu rât quan trọng. Sau cấy nên giữ một lớp nước mỏng. Đến khi lúa đẻ đủ nhánh thì nên tháo khô ruộng để tăng cường hô hấp cho bộ rễ và giảm sâu bệnh. Khi cần bón phân mới đưa thêm nước vào ruộng. Khi lúa đã trỗ hoàn toàn thì nên tháo khô kiệt (chỉ để ẩm là được) để tăng cường hoạt động của rễ và làm thay đổi tiểu khí hậu trong ruộng. Đây cũng là biện pháp tiết kiệm nước và công lao động.
– Phòng trừ sâu bệnh: như các giống khác. Tuy nhiên, nên phun phòng bệnh lem lép hạt sau khi lúa trỗ bằng Tillsuper.
– Thu hoạch: Sau khi lúa trỗ hoàn toàn 28 ngày là có thể gặt được, không nên gặt muộn hơn vì rụng ngoài đồng và chuột phá hoại.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Giống LHD6 thích hợp với những vùng thâm canh cao
5.Điển hình đã áp dụng thành công giống LHD6
Mô hình áp dụng có hiệu quả của giống LHD6 gồm các huyện: Gia Lộc, Kim Thành (Hải Dương), Bắc Giang, các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Nghệ An….
6. Địa chỉ liên hệ giống
Bộ môn Chọn tạo lúa thâm canh, TT nghiên cứu và phát triển lúa thuần- Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.
ĐT: 03203.714.888