1. Nguồn gốc
Tác giả cà cơ quan tác giả: Nguyễn Thế Yên, Đỗ Thị Thu Trang – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
KLC266 được tuyển chọn từ nguồn vật liệu của Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP)
Giống được công nhận sản xuất thử năm 2011, Quyết định số: 268/QĐ-TT-CLT ngày 31 tháng 5 năm 2011.
2. Đặc điểm
– Thời gian sinh trưởng của giống từ 115-120 ngày trong vụ thu đông và 145 -150 ngày trong vụ xuân.
– Lá xẻ thuỳ sâu, thân màu tím, đốt rất ngắn, sinh trưởng phát triển tốt, khả năng tái sinh cao.
– Củ thuôn dài, vỏ củ màu đỏ hồng, ruột củ màu vàng, hàm lượng chất khô trong củ cao 32,4 – 39,7%, hàm lượng carotenoid 280ppm/100g chất khô, ß-carotene 132ppm/100g chất khô, chất lượng củ ăn tươi rất ngon (bở, ngọt, thơm), thích hợp thị hiếu người tiêu dùng.
– Chống chịu tốt với bênh ghẻ, bệnh héo rũ, nhiễm nhẹ bọ hà trên đất chuyên màu và đất cát ven biển.
– Năng suất củ đạt 12 – 14tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 18 – 20tấn/ha.
3. Kỹ thuật trồng
– Thời vụ:
Vụ thu đông trồng từ 28/8 đến 05/9.
Vụ xuân trồng từ 20/01 đến 20/02
– Chọn đất: Đất thích hợp nhất cho khoai lang là: đất cát pha, thịt nhẹ.
– Làm đất: Đất phải được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30-40 cm. Nếu đất có tầng đất màu nông thì làm luống rộng 1,3-1,4 m
– Chuẩn bị giống: Cắt dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 dài 30-35 cm.
– Mật độ trồng: 4 vạn dây/ha (4 dây/1m dài).
– Lượng phân bón cho 1ha: 10 tấn phân chuồng + (75 – 90)kg N + (37,5 – 45,0)kg P2O5 + (112,5 – 135,0)kg K2O (tuỳ theo đất: đất cát ven biển, đất bạc màu bón tăng đạm; đất tốt bón ít đạm, tăng lân và kali).
– Cách bón:
+ Bón lót 100% phân chuồng +100% P2O5 + 1/3 N + 1/3K2O.
+ Bón thúc sau trồng 25 – 30 ngày: 50% đạm + 70% kali, kết hợp với vun xới và tưới nước.
+ Vun xới lần 1: Sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón thúc 1/3 N + 1/3 K2O
+ Vun xới lần 2: Sau lần 1 khoảng 15-20 ngày kết hợp bón thúc số phân còn lại.
– Chăm sóc:
+ Bấm ngọn: Sau khi trồng 30-35 ngày (vụ Xuân) và 10-15 ngày (vụ thu Đông) phải bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1.
+ Làm cỏ, tưới nước: Sau trồng 2-3 ngày phải thường xuyên tưới giữ ẩm. Sau mỗi đợt vun xới khoảng 2-3 ngày cần phải đưa nước vào rãnh để đảm bảo đủ độ ẩm cần thiết. Khi khô hạn có thể tưới tràn 1/2-1/3 rãnh luống, và giữ ẩm thường xuyên, nhưng không được để nước liên tục ở rãnh.
– Một số sâu bệnh chính hại trên thân lá và biện pháp phòng trừ.
Giống KLC266 rất ít sâu bệnh, tuy nhiên có một số sâu bệnh hại chủ yếu sau:
+ Sâu ăn lá (Caterpillar): Sâu khoang ăn lá là chủ yếu, biện pháp phòng trừ: bắt bằng tay. Có thể dùng Marshal 200SC phun nồng độ 0,2% hoặc dùng Sherpa phun nồng độ 0,2-0,3%phun ngay khi sâu mới xuất hiện. Phải cách ly 20-25 ngày sau khi phun thuốc mới được sử dụng.
+ Bọ hà hay cùng gọi sùng hà:
Bọ hà gây hại trên thân cây và củ, chủ yếu là gây hại trên củ làm cho củ khoai lang đắng
Nguyên nhân: Luống trồng khoai lang thấp, vun không che kín củ đất cao, thiếu nước hoặc trồng khoai lang liên tục nhiều vụ.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp: Vun cao sau trồng 15-25 ngày và giữ ẩm. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (trên đất trồng lúa).
Dùng bẫy bả: Củ khoai lang đã được cắt nhỏ rải đều xung quang ruộng khoai thời kỳ đang xuống củ (80 -120 ngày sau trồng tuỳ theo vụ)
Trong bảo quản: Dùng bẫy bả để nhử bọ trưởng thành đẻ trứng vào, sau đó thu bẫy diệt sâu non.
+ Bệnh ghẻ (Scab)
Bệnh rất nguy hiểm hại trên thân lá cây khoai lang, thường xuất hiện khi thời tiết nóng ấm và khô, bệnh lây lan rất nhanh nếu gặp thời tiết thuận lợi.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp: Phát hiện kịp thời và nhổ bỏ cây bệnh. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (tốt nhất là trên đất trồng lúa). Có thể sử dụng thuốc BellKute 40EC phun nồng độ 0.2% khi bệnh mới xuất hiện.
– Thu hoạch và sử dụng: Vụ thu đông sau trồng 115 – 120 ngày, vụ xuân sau trồng 145 – 150ngày trở lên, khi thấy một số lá gốc là có thể thu hoạch được. Củ tươi khi thu hoạch về loại bỏ sạch đất cát, phân loại củ. Nếu bảo quản củ tươi lâu dài: Xếp đứng củ 1 – 2 lớp, để nơi khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra loại bỏ củ thối. Chú ý kiểm tra bọ hà, dùng bẫy bả để diệt kịp thời.
4. Hướng sử dụng: Dùng củ để ăn tươi.
5. Địa chỉ đã áp dụng thành công: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quản Nam và Bình Định
6. Địa chỉ liên hệ giống: TS. Nguyễn Thế Yên; ĐT: 0912 109 226