CÂY NGỌC KỲ LÂN ( SALA)
SaLa hay còn gọi là cây ngọc kỳ lân. Cây có những bông hoa rất đẹp và thơm, cây thường gắn liền với những câu chuyện linh thiêng của Đức Phật.
Tên thường gọi: SaLa hay Ngọc Kỳ Lân
Tên khoa học: Couropita Guianensis
Sala là cây thân gỗ cứng, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae). Sala có thể mọc cao lên đến 15m, hoa chỉ mọc từ thân chính, có màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, và mọc thành chùm trên cọng dài có khi tới 3m. Sala trổ hoa quanh năm, nhưng trong các tháng 2 đến 5, hoa có màu sắc rực rỡ nhất. Hoa có mùi thơm dịu, nhưng vào thời khắc chiều tối, mùi thơm toả ra mạnh hơn rất nhiều.
Khi hoa tàn, quả Sala sẽ lớn dần, to tròn, có màu xám, mùi hắc khó ngửi, bên trong chứa 4 đến 8 hạt, hình cầu. Khi lõi bên trong quả thối đi mới, người ta mới có thể bổ lấy hạt trồng thành cây.
Hoa sala có mùi rất thơm, hương tỏa xa thanh thoát, được xem là loài hoa vô ưu hay ưu đàm
Do hoa Sala thường được dịch là hoa Vô ưu, nên thực tế có vẻ như có sự lẫn lộn với loài hoa Ưu Đàm (Vô ưu), loài hoa vốn được coi là 3.000 năm mới nở một lần.
Cây SaLa hay còn gọi là Cây Ngọc Kỳ Lân được gắn liền với những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Sala nở rộ tượng trưng cho Phật Pháp (Dharma), và Đức Phật cuối cùng đã chọn giữa bóng hai cây này (song thọ) để nằm nghỉ và đi vào Niết Bàn.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, có kể rằng, trên đoạn đường cuối cùng trong chuyến vân du về Câu Thi Na (Kushinagara) cùng với A Nan Đa, vị thị giả của mình, Đức Phật bảo: “Này A Nan Đa, ta cảm thấy mệt mỏi quá và muốn nằm nghỉ, hãy trải tấm tọa cụ ra giữa hai cây sala, đầu hướng về phương Bắc”. Khi Ngài vừa nằm xuống, bỗng hai cây sala nở hoa rực rỡ, thơm ngát, mặc dù lúc đó không phải là mùa ra hoa, như để tiễn đưa đấng Đạo Sư về cõi niết bàn, về với cảnh giới chân như muôn thuở…