Quy trình áp dụng cho các cơ sở nhân giống có đủ các tư liệu sản xuất, kỹ thuật ở khu vực Hà Tây.

Năm: 2011
Mã: FV-QU-HD-1210-13-CCM
PHẠM VI ÁP DỤNG
 Quy trình áp dụng cho các cơ sở nhân giống có đủ các tư liệu sản xuất, kỹ thuật ở khu vực Hà Tây.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT
1. Sản xuất cây gốc ghép
1.1.Thiết kế vườn ươm
Thiết kế và xây dựng vườn ươm theo quy cách sau:
– Chọn nền đất có độ dốc 5-10o dễ thoát nước. Đất vườn ươm là đất phù sa pha cát khai thác từ các sông sạch nguồn bệnh hoặc đất tơi xốp.
– Lên luống rộng 1,2m, dài 20-25m, rãnh luống rộng 35-40cm
– Xung quanh vườn ươm có đào rãnh thoát nước. Trong vườn phải thiết kế bể chứa nước, hệ thống ống dẫn hoặc hệ thống tưới phun mưa.
1.2. Chọn giống gốc ghép và chuẩn bị, gieo hạt giống
– Chọn lựa giống gốc ghép khoẻ mạnh, chống chịu tốt với bệnh, tương hợp tốt với giống ghép. Dùng giống Bưởi chua Hoà Bình làm gốc ghép.
– Chuẩn bị hạt giống gốc ghép:
+ Thu hạt từ cây mẹ khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh nguy hiểm. Nếu cần thiết phải bảo quản thì rửa hạt bằng nước sạch và làm khô bề mặt ở nơi mát mẻ, hay phơi trong bóng mát.
+ Xử lý hạt trước khi gieo: Xử lý bằng dung dịch thuốc trừ nấm Benlat 0,3% trong thời gian 3-5 phút sau đó vớt hạt ra để ráo nước trước khi gieo.
– Gieo hạt: Hạt được gieo trực tiếp vào trong đất và lấp đất sâu khoảng từ 1 đến 2,5cm.
1.3. Chăm sóc cây gốc ghép
Giá thể trồng cây gốc ghép
Hỗn hợp giá thể trồng cây gốc ghép bao gồm: Đất phù sa tơi xốp 70%, phân chuồng hoai mục 15%, trấu hun 15%, lân supe 10g/1kg. Hỗn hợp giá thể được đóng vào túi bầu kích thước (12x25cm).
Kỹ thuật ra ngôi
– Khi cây được 3-5 lá thật (10-15cm) tiến hành ra ngôi. Trước khi ra ngôi cần tưới đẫm, sau 30phút tưới lại lần 2.
– Khi cấy chuyển vào túi bầu giá thể cần thao tác nhẹ nhàng hạn chế làm đứt rễ
Chăm sóc cây con 
– Làm giàn che: Cây con thời gian đầu cần được che nắng, mưa lớn. Giàn che làm bằng phên nứa, cót, tấm lưới đen. Trong quá trình sinh trưởng của cây con có thể tháo dần diện tích giàn che.
– Bón phân: Hoà loãng 50g Urê, 50g Kali, 100g lân Supe/10lít nước tưới đều cho cây và định kỳ 1 tháng 1 lần.
– Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ dại ngay khi cỏ còn non để không làm ảnh hưởng đến hệ rễ và bầu, trước khi ghép 5-7 ngày cần làm sạch cỏ để thuận tiện cho thao tác ghép
– Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi thường xuyên và phòng trừ kịp thời sâu bệnh , giai đoạn này thường bị câu cấu nhỏ, sâu vẽ bùa, bệnh chết héo cây con.
2. Kỹ thuật áp dụng vườn nhân giống bưởi diễn
2.1. Tiêu chuẩn cây mẹ lấy mắt ghép
– Cây mẹ dùng để lấy mắt ghép phải được trồng, chăm sóc cách ly với nguồn bệnh
– Mắt ghép được lấy trên cây mẹ sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, năng suất ổn định, phẩm chất quả đặc trưng cho giống.
2.2. Tiêu chuẩn chọn mắt ghép
– Chọn cành mắt ghép bánh tẻ ở ngoài tán, tuổi cành 4-6 tháng
– Thời gian cắt cành ghép: Cắt vào ngày nắng ráo, cắt cành vào chiều mát, tránh ánh nắng mặt trời gay gắt.
– Bảo quản cành ghép: Sau khi cắt cành ghép tốt nhất là ghép ngay, nếu không ghép kịp có thể bọc cành trong vải ẩm để chỗ râm mát, thời gian bảo quản 1-2 ngày.
2.3. Thời vụ ghép
–  Thời vụ ghép: Trung tuần tháng 6. Ngoài ra có thể ghép vào T8-T9.
– Ghép vào ngày nắng ráo, cần làm giàn che nếu ghép vào thời điểm quá nắng
2.4. Kỹ thuật ghép
– Phương pháp: Sử dụng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ
– Các chú ý về kỹ thuật ghép: Độ cao ghép tối thiểu là 20cm tính từ mặt đất (hoặc mặt bầu) để tránh nấm bệnh xâm nhập vào vết ghép. Dùng dây Nilon loại mỏng 0,004mm để mắt khi bật mầm tự xuyên thủng. Nếu dùng dây thường thì sau 20 ngày phải tiến hành cởi bỏ dây ghép và cắt ngọn gốc ghép.
2.5. Chăm sóc cây sau ghép
– Tưới nước: Sau ghép cần thường xuyên duy trì đủ độ ẩm cho cây, tuỳ theo điều kiện thời tiết, thường 5-10 ngày tưới 1 lần.
– Bón phân: Bón phân như thời kỳ chưa ghép duy trì định kỳ 1 tháng 1 lần cho đến khi cây ghép đạt tiêu chuẩn xuất vườn.
–  Tỉa bỏ mầm dại mọc phía dưới mắt ghép. Khi cành ghép cao 30-40cm tiến hành bấm ngọn để các chồi ngang phát triển tạo bộ khung tán.
– Thường xuyên làm sạch cỏ trong vườn ươm
– Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi thường xuyên và phòng trừ kịp thời sâu bệnh , giai đoạn này thường bị câu cấu nhỏ, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rệp, bệnh loét, bệnh chảy gôm.
2.6. Đảo huấn luyện cây trước khi xuất vườn
– Để đảm bảo cho cây giống khi đưa ra ngoài sản xuất không bị chột thì cây giống cần được đảo lên trước khi xuất vườn 15-20ngày và trồng lại tập trung lại vào nơi thuận tiện cho chăm sóc và xuất vườn.
– Cây xuất vườn phải đạt tiêu chuẩn sạch bệnh, sinh trưởng tốt, chiều cao cành ghép từ 35-50cm.

Nguồn: giongcaytrong.com