I. Nguồn gốc
Giống đậu tương ĐT51 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ- Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc từ tổ hợp lai giữa LS17 x DT2001. Giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cho sản xuất thử ở các tỉnh phía Bắc, theo quyết đinh số 218/QĐ-TT-CCN ngày 15 tháng 6 năm 2012.
Cơ quan tác giả: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
II. Đặc điểm nông học
Giống đậu tương ĐT51 có hoa màu tím, hạt vàng, rốn nâu đậm, quả chín có màu vàng. Chiều cao cây 45-55cm, phân cành khá, hơn 2 cành/cây, số quả chắc cao, tỷ lệ quả 3 hạt đạt 25-30 %. Khối lượng 100 hạt khoảng từ 17,5-20,0 g. Thời gian sinh trưởng trung bình 90-95 ngày, năng suất 20-29 tạ/ha, tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh. Giống thích hợp trong vụ hè, xuân và vụ đông. Giống ĐT51 nhiễm nhẹ bệnh vi rút, đốm nâu.
III. Kỹ thuật sản xuất
1.Thời vụ
Thời gian gieo tốt nhất của vụ xuân: 20/2- 5/3;.
Vụ Hè: là 10/6- 4/7
Vụ thu đông: 15/9-30/9 là tốt nhất , nếu gieo muộn phải kết thúc gieo trước 5/10.
2. Đất và làm đất
Đối với đất chuyên cho cây trồng cạn:
Ruộng thâm canh nên chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới, tiêu nước. Đất được cày bừa kỹ và nhặt cỏ dại trước khi lên luống rộng 100cm cao 20-25 cm, rạch 2 hàng. Khoảng cách giữa 2 hàng là 40 cm trong vụ xuân, hè và 35 cm (vụ đông). Rãnh thoát nước rộng 30-35 cm
Trên đất sau thu hoạch lúa mùa (vụ Thu đông): Đất còn ướt nên áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu không làm đất. Cày luống rộng 1,5-2,0m, rãnh thoát nước rộng 35-40cm, san phẳng mặt luống, dùng thanh sắt vụt tạo hàng, hàng cách hàng 35-40cm. Các phương thức gieo khác như gieo gốc rạ, gieo vãi, gieo bằng máy.
3. Chuẩn bị hạt giống
Yêu cầu hạt giống: Đúng giống, có độ thuần cao, không bị sâu bệnh hại. Tỷ lệ nảy mầm đạt >80%. Lượng giống gieo trong vụ xuân, vụ hè trên đất chuyên cây trồng cạn: 60 kg/ha, trong vụ đông từ 65-85 kg/ha. Tùy vào giống và chân đất gieo trồng.
4. Mật độ và phương pháp gieo
Trên đất màu: Lượng hạt gieo thông thường 60 kg/ha
Vụ xuân: 30-35 cây/m2: hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 5-6,5cm.
Vụ hè: : 25-30 cây/m2: hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 4-5 cm.
Vụ thu đông: 40-45 cây/m2: hàng cách hàng 35 cm, gieo 2 hạt/hốc, hốc cách hốc 8-10 cm.
Vụ thu đông trền đất sau lúa mùa:
+ Gieo hạt theo hàng: 50-60 cây/m2: hàng cách hàng 35 cm, gieo 2-3 hạt/gốc rạ, hốc cách hốc 10 cm. Lượng hạt gieo cho 1ha là 70-75 kg/ha.
+ Gieo hạt vào gốc rạ: Dùng tay vặn nghiêng gốc rạ, gieo 2 hạt một gốc rạ, và phủ kín bằng đất bột hoặc rạ. 3 hàng rạ gieo 2 hàng đậu bỏ 1 hàng rạ ở giữa không gieo để tiện lợi cho khâu chăm sóc. Lượng giống 65-70 kg. Áp dụng với đất khô, khi gốc rạ còn võng nước cần phải làm rãnh thoát nước rồi mới gieo đậu.
+ Gieo vãi: Áp dụng cho ruộng tưới tiêu chủ động. Sau khi gặt lúa, đất phải đủ ẩm (ướt như chân đất gieo mạ). Chia luống rộng 1,5-2,0 m. Xung quanh ruộng có đường thoát nước. Chia hạt cho từng luống hoặc băng để rắc hạt cho đều khoảng cách, tránh dồn hạt ảnh hưởng tới mật độ, độ đồng đều của quần thể đậu tương. Lượng hạt tăng 80-85kg/ha.
Khi gieo xong cần phủ đất hoặc rạ (đất ướt sau vụ lúa mùa) kín hạt.
5. Phân bón
Phân bón cho 1 ha: 30 kg N: 60 kg P205 : 60kg K20 + 1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Lượng phân bón cho một sào (360m2) là hữu cơ: 300-360 kg; đạm urê: 2-3 kg; Supe lân 10 kg; Kali 4-5kg.
Cách bón
Đối đậu tương trên đất màu (vụ xuân, vụ đông) có độ ẩm vừa phải thì bón lót toàn bộ lân, phân hữu cơ.. Bón thúc lần 1: Bón một ½ lượng đạm, kali vào giai đoạn cây có 2-3 lá thật và một ½ lượng đạm, kali vào 4-5 lá thật. Trước khi gieo hạt cần phủ đất lên phân lót tránh để hạt tiếp xúc với phân.
Đối đậu tương trồng trên đất sau lúa mùa, (vụ đông): Bón thúc lần 1: Bón một ½ lượng đạm, kali vào giai đoạn cây có 2-3 lá thật. Thúc lần 2:Bón hết số đạm, kali còn lại vào 4-5 lá thật. Quan sát tình hình sinh trưởng của ruộng đậu tương mà dùng phân bón qua lá như phân Komix, seaweet để kích thích cho đậu phát triển nhanh.
Chú ý không bón phân khi lá đậu còn ướt vì sẽ dễ gây cháy lá.
6.Chăm sóc
Sau gieo 5-6 ngày nên kiểm tra về tỷ lệ mọc. Sử dụng mạ đậu dặm chỗ khuyết cây để đảm bảo độ đồng mật độ ruộng đậu
Lần 1: khi cây có 2 lá thật nên tiến hành làm cỏ và xới nhẹ kết hợp với bón phân thúc, sau 3 -4 ngày bón phân thì phun phòng thuốc trừ sâu.
Lần 2: khi cây có 4-5 lá thật tiến hành làm cỏ đợt 2, vun gốc cao (đất chuyên màu).
Đảm bảo độ ẩm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Không để cây bị úng nước. Đậu tương vụ đông có phủ rơm hoặc rạ nên giữ ẩm độ tốt. Tuy nhiên, cần chú ý độ ẩm ở giai đoạn mọc mầm, cây ra hoa và quả vào chắc.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
Chú ý vụ đông phun thuốc trừ dòi đục thân ngay khi cây xoè 2 lá mầm. Phòng trừ dòi đục lá, dòi đục quả, sâu cuốn lá, sâu khoang, rệp, sâu đục quả bằng Ofatox 50EC; Sumicidin 20EC; Regent 80WP. Nồng độ 0,01%- 0,03%.
Phòng trừ bệnh: Bệnh gỉ sắt, lở cổ rễ, phấn trắng nên dùng thuốc Daconil 75W; Validacin 5FP Nồng độ phun 0,1-0,2%.
Phun thuốc tiến hành vào lúc trời nắng nhẹ (chiều mát, sáng sớm), không nên phun thuốc vào lúc trời nắng gắt gây xoăn lá hoặc cháy lá và cũng không nên phun thuốc khi trời mưa hoặc trước mưa 3-4 giờ).
Thu hoạch: Khi 2/3 quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Chọn thời tiết nắng ráo để thu hoạch. Cây thu về phơi rải đều trên sân không được dồn thành đống sẽ gây hạt mốc thối, chtaas lượng hạt kém. Khi cây đã khô tách lấy hạt. Hạt giống không được phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng. Phơi hạt khô (độ ẩm 12% ) để nguội mới cho vào bao 2 lớp (nilon và dứa) hoặc chum vại để bảo quản nơi khô, mát.
IV. Địa phương đã sử dụng
Giống đậu tương ĐT 51 đã được triển khai khảo nghiệm và sản xuất thử tại một số địa phương như: Ngoại thành Hà Nội ( Phúc Thọ, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì), Ninh Bình (Yên Mô), Thái Bình (Hưng Hà), Vĩnh Phúc (yên Lạc), Phú Thọ.
V. Địa chỉ liên hệ giống:
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ
Điện thoại: 043.8613919; 043.6810245;